Thách thức của chúng tôi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 là cuộc đấu tranh giữ công việc an toàn cho nhân viên. Đó là chia sẻ của ông Herbert Laubichler-Pichler khi đề cập đến những khó khăn của ngành du lịch nghỉ dưỡng trong đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Alma đã có đối sách gì để vượt qua khó khăn này, thưa ông?
Rõ ràng thách thức lớn nhất đối với khu nghỉ dưỡng của chúng tôi và cả ngành du lịch nói chung, trong cuộc khủng hoảng này là cuộc đấu tranh thực sự để giữ công việc an toàn cho nhân viên. Họ là tất cả những gì chúng tôi có, không chỉ vì sự vận hành hoạt động của khu nghỉ dưỡng, mà còn vì họ chính là mạch máu của cộng đồng địa phương nơi đây. Chúng tôi cần phải cố gắng để đảm bảo cuộc sống ổn định hiện tại và cả tương lai cho người dân.
Đại dịch Covid-19 đã và đang định hình lại cách thức hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn và vệ sinh cho khách hàng cũng như đội ngũ nhân viên, từ việc tăng cường giao thức trực tuyến cho tới những cách tiếp cận mới với đào tạo, thay đổi cách vận hành cũng như tuân thủ về giãn cách, an toàn vệ sinh trong bữa ăn và công việc dọn dẹp.
Trong đợt cao điểm giãn cách xã hội tháng 4, ưu tiên chính của Alma là đào tạo nhân viên thông qua sử dụng nền tảng công nghệ. Ví dụ như chúng tôi đã mở những buổi học tiếng Anh thông qua ứng dụng Zalo và tôi tin rằng điều này không chỉ giúp nhân viên cảm thấy được hỗ trợ mà còn cảm thấy được kết nối, là một phần trong tập thể Alma.
Nhân viên cũng được tham gia nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề cũng như dịch vụ cho khách hàng. Đơn cử như bộ phận ẩm thực đã được đào tạo thêm về quy trình nấu ăn hay xây dựng thực đơn mới.
Khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 7, ngoài những biện pháp mà lâu nay chúng tôi vẫn thường làm hàng ngày như đo thân nhiệt cho nhân viên và khách, cung cấp nước rửa tay sát khuẩn, thường xuyên khử trùng các khu vực chung, lau chùi kỹ các phòng nghỉ của khách, v.v, chúng tôi còn thực hiện nhiều biện pháp mới, như dừng phục vụ buffet sáng tại Alma Garden và thay thế bằng bữa sáng được phục vụ từng xuất ăn riêng tại khu ẩm thực Alma Food Court, tăng dịch vụ ẩm thực tại phòng, yêu cầu khách khai báo y tế bằng cách quét mã QR và cung cấp cho khách thông tin về COVID-19 khi nhận phòng. Ngoài ra, số lượng khách vào các địa điểm chung như nhà hàng, công viên nước, bảo tàng khoa học, sân golf, v.v. sẽ được hạn chế để đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội.
Ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nhất bởi Covid-19, vậy liên kết giữa các DN trong ngành có phải là giải pháp tốt trong lúc này không?
Đây là khoảng thời gian tất cả chúng ta cần hợp sức lại, hỗ trợ lẫn nhau trong ngành du lịch. Phương châm của tôi luôn luôn là liên kết để cùng nâng cao dịch vụ của cả điểm đến Cam Ranh. Chúng tôi đã hỗ trợ các đại lý du lịch và đơn vị bán lẻ thông qua việc cung cấp thông tin đầy đủ về các biện pháp phòng ngừa vệ sinh dịch tễ cho cả nhân viên và khách hàng. Alma cũng cung cấp mức giá hợp lý nhất có thể cho các đối tác.
Một câu hỏi riêng tư, cơ duyên nào đưa ông đến với ngành kinh doanh khách sạn?
Tôi sinh ra ở Áo trong một gia đình có truyền thống kinh doanh khách sạn. Lúc 10 tuổi, vào những dịp nghỉ hè, tôi thường phụ giúp công việc kinh doanh tại nhà nghỉ của gia đình. Tôi làm đủ các việc, từ khuân vác hành lý, đến chào đón khách, rửa chén bát, lau sàn nhà. Ban đầu thì tôi làm những công việc phù hợp với sức mình, cho đến năm 16 tuổi thì tôi làm nhiều công việc quan trọng hơn.
Gia đình tôi cũng có một trang trại. Lúc tôi còn bé, mọi người thường hỏi tôi: “Herbert, lớn lên cậu muốn làm gì nào? Nhà kinh doanh khách sạn hay nông dân?” Tôi trả lời với họ rằng tôi sẽ làm nông dân. Nhưng bố tôi lại muốn tôi đi theo nghề khách sạn và quyết định của bố tôi đã hình thành nên tôi của ngày hôm nay. Bố đã ghi tên tôi vào trường khách sạn, tôi đã theo học và trở thành đầu bếp. Thật ra tôi theo đuổi ngành kinh doanh khách sạn cũng không hẳn vì bố, mà tôi thật sự yêu thích công việc này.
Trong suốt nhiều năm làm việc ở Việt Nam, điều ông cảm nhận được ở đất nước, con người nơi đây là gì?
Sau hai mươi năm làm việc ở nhiều quốc gia, từ Áo, Đức, Anh, cộng hòa Síp (Cyprus), đến Malaysia, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2008. Tất cả đều mới mẻ đối với tôi, đặc biệt là khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố vô cùng năng động, tôi nhận thấy ở thành phố này có một sức hút mãnh liệt với tôi.
Trong cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”, Graham Greene đã viết về Việt Nam như thế này: “Họ nói rằng khi bạn đến Việt Nam, bạn sẽ hiểu được rất nhiều điều chỉ trong vòng vài phút, nhưng phải sống mới hiểu hết những điều còn lại”. Tôi thấy câu nói đó quá đúng. Khi gặp bất cứ điều gì, bạn cũng sẽ bất ngờ, như thể Việt Nam đang cảnh báo bạn đừng bao giờ tự mãn.
Sau 15 năm sống và làm việc ở Việt Nam, điều khiến tôi gắn bó nhất nơi đây là con người. So với nhiều nơi tôi đã có cơ hội làm việc, người Việt Nam siêng năng, có tinh thần cầu tiến và tham vọng. Chính vì luôn mong muốn vươn lên trong cuộc sống nên các bạn hoàn thành công việc rất tốt. Ngoài ra, thời tiết của Việt Nam khá ấm, thời tiết ở Áo khá lạnh so với tôi hiện nay.
15 năm làm việc, gắn bó với du lịch, theo ông Alma cần thay đổi những gì để thu hút được nhiều khách hơn nữa?
Sự thật là chúng tôi đã và vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện Alma từng ngày từng giờ, hàng tuần chúng tôi đều có các buổi họp, đánh giá tổng kết tuần và chuẩn bị cho tuần tới để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cấp năng lực đội ngũ.
Đặc thù mô hình chia sẻ kỳ nghỉ của Alma là khách sẽ ở tại Alma suốt 1 tuần hàng năm. Chúng tôi phải nỗ lực làm mới resort, làm mới bản thân để du khách luôn luôn tìm thấy điều mới mẻ khi quay trở lại đây. Có vô vàn trải nghiệm ở Alma Resort cho kỳ nghỉ kéo dài cả tuần của cả gia đình nhiều thế hệ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn